Nhận định Chủ_nghĩa_siêu_việt

"Thuyết siêu việt là một đức tin hơn là triết học, nó mang tính tiên tri hơn là tư biện, khẳng định hơn là đặt câu hỏi, và nó đến với triết học Đức để tìm thấy sự xác nhận đức tin, không phải để kiểm tra lại những nền tảng của mình".[4]
-Vernon L. Parrington-

"Vấn đề của triết học siêu việt không gì khác hơn là xem xét lại kinh nghiệm của nhân loại và thử thách những học thuyết của nó bằng bản tính của nhân loại; là kiểm tra đạo đức bằng lương tâm, khoa học bằng lý tính; thử thách các tín điều của các giáo hội; hiến pháp của các quốc gia bằng hiến pháp của vũ trụ; là đảo ngược điều sai, cung cấp điều còn thiếu, và chủ trì công đạo".[5]
-Theodore Parker-

Giấc mơ của con người về triết lý siêu việt là một giáo hội không chuyên chế; một xã hội không có sự ngu dốt, thiếu thốn hay tội ác; "một thế giới không có chiến tranh giữa các quốc gia để tiêu hủy sạch sản phẩm do bàn tay họ làm ra". Trong những lời đoán trước tư tưởng của James và Dewey sau này, Parker nói rằng triết học của mình (không giống như triết học duy cảm mà chủng tộc Anglo-Saxon có khuynh hướng cố chấp đi theo) hướng về tương lai, một tương lai sẽ phải được thực hiện. Giấc mơ có bao giờ trở thành sự thật hay không? "Lịch sử nói không; bản tính người nói có".

Xét như một triết học tư biện, thuyết siêu việt đại diện cho một thuyết duy tâm gần Kant hơn là Berkeley. Thật vậy, các thành viên của Câu lạc bộ siêu việt Boston thừa nhận sự mang ơn của họ đối với nhà hiền triết ở Königsberg. Như Emerson đã nói trong luận văn của mình, "Nhà siêu việt":

"Cái được gọi phổ biến là thuyết siêu việt của chúng ta, là thuyết Duy tâm; thuyết Duy tâm như nó xuất hiện vào năm 1842. Là những nhà tư tưởng, nhân loại đã từng chia rẽ thành hai phái, các nhà duy vật và các nhà duy tâm; loại thứ nhất dựa vào kinh nghiệm, loại thứ hai dựa vào ý thức; loại thứ nhất bắt đầu tư duy từ dữ liệu của các giác quan, loại thứ hai nhận thấy rằng các giác quan không phải là tối hậu và nói rằng, các giác quan mang đến cho chúng ta các hình ảnh biểu tượng về sự vật, nhưng không thể cho ta biết tự thân các sự vật ấy là gì...

Phần lớn cử tọa của tôi đều biết rằng thuyết duy tâm ngày nay có được cái tên "Transcendental" ("Siêu việt", đúng ra là "siêu nghiệm". ND) từ việc sử dụng thuật ngữ đó ("siêu nghiệm") của Immanunal Kant ở Königsberg, người đáp lại triết học hoài nghi của Locke, vì Locke đã nhấn mạnh rằng không có gì trong giác tính mà trước đó không có trong kinh nghiệm của các giác quan, bằng cách cho thấy rằng có một lớp ý niệm rất quan trọng hay các hình thức mệnh lệnh, không đến từ kinh nghiệm, mà thông qua đó kinh nghiệm mới đạt được; rằng chúng những trực giác của bản thân tâm trí; và ông gọi tên chúng là những hình thức hay mô thức siêu nghiệm. Sự sâu sắc và chính xác phi thường của suy nghĩ đó của con người làm cho việc gọi tên đó của ông được ưa chuộng, ở châu Âu và Mỹ, đến mức mà bất cứ điều gì thuộc về loại tư duy trực giác, ngày nay đều được gọi chung là Transcendental ("Siêu việt")".[6]